Đình Phương Sài

Đình Phương Sài tọa lạc tại số 83, đường Phương Sài, thuộc phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Đình Phương Sài được ghép từ tên núi Phương và tên sông Sài hay còn gọi sông Củi. Theo địa bạ triều Nguyễn đầu thế kỷ XIX khu vực này là thôn Phường Củi, xã Phước Hải, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh, trấn Bình Hòa (1808) và năm 1832 dưới triều vua Minh Mệnh đổi trấn Bình Hòa thành tỉnh Khánh Hòa. Sau này, được đổi thành làng Phương Sài và năm 1924 làng Phương Sài là một trong năm làng cổ ở Nha Trang được Toàn quyền Đông Dương lập thành thị trấn Nha Trang. Năm 1976, thành phố Nha Trang tách làng thành hai phường Phương Sơn và Phương Sài, lấy đường Phương Sài làm ranh giới.

Đình Phương Sài được xây dựng từ năm nào không ai rõ, nhưng theo các cụ bô lão kể lại khi xây dựng đình chỉ là mái tranh, dựng bằng cột gỗ tròn và quay về hướng Đông Bắc, lấy sông Sài làm “tiền thủy” và núi Trại Thủy làm “hậu sơn” theo quy luật phong thủy của người xưa. Khoảng nửa cuối thế kỉ 19, tuy điều kiện kinh tế của địa phương khá ổn định nhưng con đường học vấn khoa cử của con em trong thôn không ai đỗ đạt nên các hào lão quyết định đổi hướng đình từ hướng Đông Bắc sang hướng Tây Nam. Năm 1955, đình được xoay lại theo hướng cũ là Đông Bắc.

Ngày nay, Đình được xây dựng trong khuôn viên rộng 2.248,5m2 .Từ ngoài nhìn vào di tích có các hạng mục công trình sau:Nghi môn và tường bao, Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, Đại đình, Miếu thờ Thiên Y A Na, Nhà Tiền hiền, Nhà kho, nhà bếp.

Đình lợp ngói âm dương, hệ mái có cổ lầu, cùng những hoa văn hình rồng phượng đắp nổi tạo cho di tích nét cổ kính giữa chốn thị thành. Đình Phương Sài được trang trí đẹp, trên cổ lầu, bờ nóc, bờ giải với các mảng đắp nổi hình tứ linh, tứ quý, dơi, hoa cúc, những bức vẽ các hoa văn động thực vật phong phú, sinh động, cùng các linh vật hình lân, nghê sống động dễ gây sự chú ý cho những ai đi qua di tích. Bên trong đình, miếu bài trí trang trọng, uy nghi với các hoành phi, câu đối, lỗ bộ, chiêng, trống, lọng … càng tăng thêm nét trầm mặc nhưng đầy cuốn hút giữa không gian phố thị ồn ào, náo nhiệt.

Đình làng Phương Sài thờ Hà Bá, Thổ công, Cao các, Bạch Mã, Tiền hiền, Hậu hiền, các anh hùng liệt sĩ. Trong đó, Tiền hiền là ông Mai Thiên Tải, người có nhiều đóng góp công sức, của cải cho làng. Ngoài ra, di tích còn có miếu Thiên Y thờ Thiên Y A Na Diễn Ngọc phi, Long cung Thánh Mẫu, Lục cung Thánh Mẫu, nhị vị Thái tử và Công chúa.

Ngày nay, đình Phương Sài còn gìn giữ được 12 sắc phong do các triều vua từ đời vua Tự Đức đến đời vua Khải Định ban tặng.

Tại Đình Phương Sài, hệ thống kết cấu khung gỗ vẫn còn được bảo lưu; các hoa văn, họa tiết trang trí trên các cấu kiện kiến trúc được thể hiện tinh tế, sinh động, giàu tính biểu cảm và nghệ thuật. Ngoài ra, di tích còn lưu giữ được các hiện vật có giá trị về văn hóa, khoa học, lịch sử… Tiêu biểu là 03 bức Hoành Phi có niên đại dưới các triều vua Nguyễn:

- Hoành Phi “Phương Sài Đình” có niên đại năm 1866 (niên hiệu Tự Đức năm thứ 19);

- Hoành Phi “Thiên Y Miếu” có niên đại năm 1891 (niên hiệu Thành Thái năm thứ 03);

- Hoành Phi “Khang Ninh” có niên đại năm 1894 (niên hiệu Thành Thái năm thứ 06).

Hàng năm, đình Phương Sài tổ chức hai lễ cúng lớn vào mùa Xuân và mùa Thu, như người ta vẫn quen gọi là “Xuân Thu nhị kì”. Lễ hội mùa Xuân còn gọi là cúng Xuân kì an cầu cho “Quốc thái dân an”  diễn ra vào ngày 22 và 23 tháng 03 Âm lịch và lễ hội mùa Thu còn gọi Thu tế là lễ tạ ơn trời đất, thần thánh vào thượng tuần tháng 09 Âm lịch, có Lễ rước sắc từ miếu An Lạc ở số 19 đường Phan Đình Giót, phường Phương Sài về đình Phương Sài , sau đó rước trở lại cất ở miếu An Lạc.

Ngày 22/8/2007, Đình Phương Sài được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

 
 
 
 
 
 

Chia sẻ:

Di tích khác

Nhà thờ Đá Nha Trang

Nhà thờ Đá Nha Trang

Nằm ở khu vực trung tâm thành phố Nha Trang, trên một đồi cao, nhà thờ Chánh tòa Nha Trang khởi công xây dựng vào ngày 03 tháng 9 năm 1928. Xưa kia, đây là vùng đất hoang sơ, để xây dựng công trình này, người ta đã cho nổ tới 500 quả mìn, san bằng ngọn đồi, để có diện tích 4.500 m2, sau đó mở đường để vận chuyển vật liệu lên khu vực xây dựng. Tháng 12 năm 1941, toàn bộ các hạng mục công trình đã được hoàn tất, cả hai con đường dẫn lên nhà thờ, một ở phía Bắc, một đi vòng theo phía Nam.